Tôi là em gái có được làm người giám hộ cho anh trai và cháu tôi không? Anh trai và cháu gái bị mất năng lực hành vi dân sự (Theo biên bản giám định pháp y tâm thần của trung tâm giám định pháp y tâm thần), vợ anh trai tôi đã chết. Xin được tư vấn.
Gửi bởi: Nguyễn Thị Mẫn
Trả lời có tính chất tham khảo về người giám hộ:
Ðiều 58 Bộ luật Dân sự quy định về giám hộ như sau: Giám hộ là việc cá nhân, tổ chức (sau đây gọi chung là người-giám-hộ) được pháp luật quy định hoặc được cử để thực hiện việc chăm sóc và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự (sau đây gọi chung là người được giám hộ).
Người được giám hộ bao gồm:
– Người chưa thành niên không còn cha, mẹ, không xác định được cha, mẹ hoặc cha, mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, bị Tòa án hạn chế quyền của cha, mẹ hoặc cha, mẹ không có điều kiện chăm sóc, giáo dục người chưa thành niên đó và nếu cha, mẹ có yêu cầu;
– Người mất năng lực hành vi dân sự.
Anh trai và cháu bạn là người mất năng lực hành vi dân sự nên thuộc trường hợp phải được người-giám-hộ.
Về việc bạn có thể là người-giám-hộ hay không thì cần căn cứ các quy định sau:
– Bạn phải đáp ứng điều kiện của cá nhân làm người-giám-hộ (Điều 60 Bộ luật Dân sự): Cá nhân có đủ các điều kiện sau đây có thể làm người-giám-hộ:
+ Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
+ Có tư cách đạo đức tốt; không phải là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc người bị kết án nhưng chưa được xoá án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người khác;
+ Có điều kiện cần thiết bảo đảm thực hiện việc giám hộ.
– Việc xác định người-giám-hộ căn cứ theo quy định tại Ðiều 62 Bộ luật Dân sự về người-giám-hộ đương nhiên của người mất năng lực hành vi dân sự:
+ Trong trường hợp vợ mất năng lực hành vi dân sự thì chồng là người-giám-hộ; nếu chồng mất năng lực hành vi dân sự thì vợ là người-giám-hộ.
+ Trong trường hợp cha và mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự hoặc một người mất năng lực hành vi dân sự, còn người kia không có đủ điều kiện làm người-giám-hộ thì người con cả là người-giám-hộ; nếu người con cả không có đủ điều kiện làm người-giám-hộ thì người con tiếp theo là người-giám-hộ.
+ Trong trường hợp người thành niên mất năng lực hành vi dân sự chưa có vợ, chồng, con hoặc có mà vợ, chồng, con đều không có đủ điều kiện làm người-giám-hộ thì cha, mẹ là người-giám-hộ.
Xét trường hợp của anh trai bạn: Do vợ của anh đã mất nên giám hộ cho anh sẽ là con của anh; nếu không có người con nào đủ điều kiện thì cha, mẹ của anh sẽ làm. Nếu không có ai đủ điều kiện làm thì anh trai bạn thuộc trường hợp không có người-giám-hộ đương nhiên.
Xét trường hợp của cháu bạn: Cháu bạn chưa có chồng con, mẹ đã mất, cha bị mất năng lực hành vi dân sự nên cháu bạn thuộc trường hợp không có người-giám-hộ đương nhiên.
Trong trường hợp không có như nêu trên thì Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi cư trú của người được giám hộ có trách nhiệm cử giám hộ hoặc đề nghị một tổ chức đảm nhận việc giám hộ (Điều 63 Bộ luật Dân sự). Khi đó, bạn có quyền đứng ra nhận làm. Một người có thể giám hộ cho nhiều người (Khoản 4 Điều 58 Bộ luật Dân sự) nên bạn có thể nhận làm cho cả anh trai và cháu gái bạn.
Trả lời bởi: CTV3
Văn bản liên quan
Bộ luật 33/2005/QH11 Dân sự