Một ngày đầu tháng 7, trong căn nhà cấp 4 tại thôn Kim Hạ, bà Nguyễn Thị Sính, 65 tuổi, mẹ anh Thơ, nhớ lại ký ức kinh hoàng vụ thảm án cuồng ghen bằng “bom thư” năm xưa.
Bà Sính có 4 người con, Thơ là con út, trên anh là 3 chị gái. Dù sinh ra bụ bẫm, kháu khỉnh như bất cứ đứa trẻ nào, nhưng càng lớn, cậu bé Thơ lại không phát triển chiều cao. Lớp 10, Thơ chỉ cao chừng 1,1 – 1,2 m, thân hình nhỏ bé so với bạn bè cùng trang lứa.
Học lực khá, trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10, Thơ đỗ vào trường THPT Sóc Sơn. Nhà cách trường chừng 10km, sợ con đi lại vất vả, vợ chồng bà Sính bàn nhau, thuê trọ nhà họ hàng là anh Nguyễn Văn Viện tại xã Tiên Dược để con trai ở, cuối tuần thì về.
Trưa 31/10/2003, một đôi nam nữ đến nhà anh Viện gửi hộp quà, bên trong có chiếc đài radio cùng phong thư ghi dòng chữ “nhờ anh Viện sửa giúp, mai lấy ngay”. Không giống như tính toán của 2 đối tượng, người mở gói quà không phải anh Viện mà là người em trai. Một tiếng nổ kinh khủng vang rền trời 18h tối hôm đó.
Người dân hốt hoảng chạy đến thì phát hiện em trai, vợ và con gái nhỏ của anh Viện tử vong tại chỗ. Sức công phá của quả bom khiến Thơ năm đó mới 16 tuổi, đứng gần hiện trường, chịu thương tật 94%.
Đến 19h, vừa xong bữa cơm tối, bà Sính thấy hàng xóm hớt hải chạy sang báo tin “thằng Thơ gặp nạn rồi, có vụ nổ thấy bảo 3 người chết”. Chân tay bà Sính bủn rủn, đứng không vững. Cả gia đình vội chạy lên nhà anh Viện. Chứng kiến 3 thi thể xấu số, bà Sính dáo dác tìm con trai, rồi ngất lịm, được người thân đưa vào trạm xá.
Sợ người mẹ quá sốc, phải gần một tuần sau, bà Sính mới được vào Bệnh viện Xanh Pôn thăm con. Anh Thơ nằm trên giường bệnh, băng bó khắp người, bà khóc nấc “Con trai tôi đã làm gì nên tội?”.
Hiện trường vụ thảm án cách đây 18 năm khiến 3 nạn nhân tử vong thương tâm
Sau 14 ngày hôn mê, Thơ tỉnh lại, hỏi mẹ loạt câu hỏi “Con đang ở nhà anh Viện cơ mà?”, “Sao tai con cứ nghe thấy tiếng ù ù khó chịu quá?”, “Sao họ lại bịt chặt mắt con?”, “Sao con không thể cử động…”.
Thương tật 94%, Thơ chịu cảnh mù lòa, thính giác suy giảm. Bà Sính chỉ ước có thể hiến mắt cho con trai nhưng không được do Thơ bị khoét cả 2 mắt, không còn cơ hội ghép giác mạc.
Để có tiền chữa trị cho con, vợ chồng bà Sính buộc phải bán rẻ cặp trâu, bò dù chưa đến ngày xuất chuồng. Họ tiếp tục vay lãi hàng xóm, chỉ mong con được bảo toàn mạng sống. Ngày từ bệnh viện về nhà, Thơ tự nhốt mình trong căn phòng kín. Mỗi lần nghe tiếng động lớn, tiếng sấm hay tiếng máy cưa gỗ, anh co rúm người vì sợ hãi, thậm chí la hét.
Những năm tháng sau, Thơ dần quen với bóng tối, tập những thói quen chăm sóc bản thân dù bị va đập liên tục khiến cơ thể bầm tím. Thỉnh thoảng anh giúp bố mẹ nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa.
“Thật không dễ dàng chấp nhận bản thân mất đi đôi mắt. Nhiều đêm mình bật khóc vì bất lực, vì trở thành gánh nặng của bố mẹ, rồi tự an ủi bản thân, cố gắng từng bước”, Thơ nói.
Có lần, anh vừa khóc vừa van xin mẹ “quyền được chết”. Bà Sính bất lực chỉ biết ôm con nói, “mẹ xin con, dù thế nào cũng hãy ở bên bố mẹ. Cả nhà sẽ cố chữa trị và đồng hành cùng con”.
Qua điều tra, cơ quan công an xác định vụ thảm án bắt nguồn từ mối quan hệ yêu đương không thành giữa Lại Thị Kiều Lan (44 tuổi, quê Thái Nguyên) và anh Viện. Sau đó anh Viện kết hôn, còn Lan thành bạn gái của Ngô Mạnh Hùng (sinh năm 1971, quê huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình). Một lần nghe người yêu tâm sự, Hùng nổi cơn ghen, cho rằng anh Viện dùng lời lẽ thiếu văn hóa, xúc phạm Lan. Cả 2 bàn kế trả thù. Vốn có hiểu biết về thuốc nổ, Hùng đã chế một quả bom dưới vỏ bọc một chiếc radio.
Tháng 6/2004, TAND Hà Nội tuyên phạt Hùng tử hình về tội “Giết người”, “Chế tạo sử dụng, mua bán trái phép vật liệu nổ”, còn Lan lĩnh án chung thân.
18 năm sau thảm án cuồng ghen bằng bom thư ở Hà Nội, cậu bé còn sống năm nào giờ mù lòa vĩnh viễn, ám ảnh mãi chưa dứt – Ảnh 3.
Hai mẹ con nương tựa nhau kể từ ngày người bố qua đời vì ung thư, 3 chị gái đi lấy chồngBên trong căn nhà của 2 mẹ con không có tài sản gì đáng giá
“Người chết đã khổ, kẻ sống cũng chẳng khá hơn”
3 năm sau, bộn bề chưa vơi, bà Sính một lần nữa nhận tin sét đánh. Chồng bà mắc ung thư vòm họng. Để có tiền cứu chồng cứu con, người phụ nữ lam lũ nhận cày ruộng thuê, rảnh rỗi đạp xe xuống Đồng Kỵ (Bắc Ninh) từ 6h sáng đến tối muộn đánh giấy ráp gỗ. Dù mệt nhưng bà Sính cố làm, chỉ mong có tiền.
Năm 2011, Thơ xin bố mẹ đi học chữ nổi ở Hội người mù huyện Sóc Sơn để tập quen mặt chữ. Năm 2012, sau 9 năm đằng đẵng tự nhốt mình trong nhà, anh đăng ký học bổ túc, hoàn thành chương trình lớp 12 tại Trung tâm giáo dục thường xuyên Nguyễn Văn Tố, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, chỉ học hai ngày cuối tuần.
Thời gian đầu, Thơ được bố chở lên huyện bắt xe buýt, rồi đi xe ôm đến trường. Thấy tốn kém, anh rủ một người anh trong Hội người mù cùng đi học. Người này không bị khiếm thính, lại thuộc đường. Hai anh em hẹn nhau, xuống trạm trung chuyển xe buýt ở Long Biên sẽ tiếp tục bắt một tuyến buýt nữa đến trường. Những hôm mưa gió, cả 2 xin thầy cô ở lại, hạn chế di chuyển vất vả.
Tốt nghiệp cấp 3, Thơ dự định thi một trong 3 ngành: Công tác xã hội, Giáo dục đặc biệt hoặc Tâm lý học. Chi phí học đắt đỏ ước tính khoảng 50 triệu/năm, lại không thể một mình sống trên thành phố, thương bố mẹ thêm phần vất vả, anh bỏ thi Đại học. Về nhà, Thơ tham gia các hoạt động tình nguyện của Hội người mù, động viên và hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn.
Năm 2015, bố mất, 3 chị gái lập gia đình riêng, căn nhà chỉ còn hai mẹ con nương tựa vào nhau. Số lần nhập viện Thơ không nhớ nổi, mỗi lần một lý do khác nhau như vôi hoá màng nhĩ, trào ngược mũi họng, tai có vấn đề… Tất cả đều là di chứng sau vụ nổ bom kinh hoàng cách đây 18 năm.
Mù lòa vĩnh viễn, hai tai mất dần khả năng nghe, cơ thể anh Thơ chằng chịt vết sẹo
Hiện, tai trái của Thơ chỉ còn khả năng nghe 5%, tai phải 15-20%, người đối diện nói thật lớn anh mới có thể nghe. Nhiều lúc nhà có khách đến chơi, nói bé anh chẳng nghe thấy gì. Tủi thân, anh trốn vào góc buồng.
Tháng 12/2020, anh nhập viện sau trận đau đầu, bệnh tình chuyển biến nặng. Tai phải bắt đầu ù, không nghe rõ. Trong đầu anh lúc nào cũng văng vẳng tiếng ve sầu, tiếng nhạc đám ma từ xa… Bác sĩ chẩn đoán anh bị viêm mũi, trào ngược mũi họng, viêm họng suy amidan mãn tính, gan nhiễm mỡ, huyết áp thấp, tai ù…
Bác sĩ nói rằng “anh chỉ có thể sống chung với căn bệnh này cả đời. Tình huống xấu nhất là mất khả năng nghe”. Thơ bật khóc như đứa trẻ, than trách ông trời đã lấy đi đôi mắt, giờ khả năng nghe ít ỏi cũng có thể chẳng còn.
Sau lần điều trị đó, về nhà, Thơ thường xuyên mất ngủ. Anh sợ thức dậy sẽ không còn nghe được nữa. Gần đây, bác sĩ tư vấn anh mua máy trợ thính, mức giá dao động từ 50 – 80 triệu đồng. Một người chị trong Hội người mù cũng khuyên nhủ, nếu trong trường hợp 2 tai mất vĩnh viễn khả năng nghe, có thể mua máy hiện chữ nổi, mức giá còn cao hơn máy trợ thính gấp nhiều lần. Số tiền quá lớn khiến anh chần chừ.
“Mẹ già yếu, giờ lại thêm bệnh u tuyến giáp, nợ còn chưa trả hết, lấy đâu ra tiền để mua”, anh nói.
Người mẹ già bật khóc khi nhớ lại những ký ức kinh hoàng năm đó
Hai mẹ con chỉ trông chờ vào hơn 2 sào ruộng, cặp bò cùng khoản tiền trợ cấp 700.000 đồng/tháng cho người khuyết tật và 350.000 đồng/tháng tiền chăm sóc của anh Thơ. Mỗi năm bà Sính cố tích góp tiền mua máy trợ thính cho con trai, nhưng tiền thuốc thang, rồi mỗi lần anh nhập viện khi bệnh tình tái phát khiến gia đình lại kiệt quệ.
Mỗi lần nhìn con, bà lại nói giá như. Giá như năm đó hai kẻ thủ ác không gửi “bom thư” thì 3 người họ hàng không chết oan uổng, con trai bà có lẽ đã lập gia đình và công việc ổn định.
“Người chết đã khổ, kẻ sống cũng chẳng khá hơn. Đau đớn, xót xa vô cùng”, người mẹ già bật khóc, bên ngoài trời đổ cơn mưa hè tầm tã.
Mọi sự giúp đỡ, quý độc giả có thể liên hệ:
Anh Nguyễn Văn Thơ, thôn Kim Hạ, xã Kim Lũ, huyện Sóc Sơn, Hà Nội.
Số điện thoại: 034.808.9268.
Số tài khoản: 9704229258078406. Chủ tài khoản: Nguyễn Văn Thơ. Ngân hàng Quân đội MB Bank.
Hoặc số tài khoản: 3160205594528. Chủ tài khoản: Nguyễn Văn Thơ. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam Agribank.