Tôi muốn được tư vấn về quy trình, thủ tục xin cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện đào tạo và cấp chứng chỉ an toàn lao động vì tôi muốn thành lập 1 pháp nhân (trung tâm) trực thuộc công ty của mình chuyên đào tạo mở khóa học về lĩnh vực an toàn – vệ sinh lao động và có khả năng cấp chứng chỉ đào tạo an toàn lao động.? Xin được tư vấn.
Người gửi: T.T.L
Trả lời có tính chất tham khảo:
Thứ nhất, việc bạn muốn thành lập pháp nhân (trung tâm trực thuộc công ty) để thực hiện việc huấn luyện và đào tạo chứng chỉ an toàn lao động là hợp pháp theo quy định tại khoản 1 Điều 3 thông tư 27/2013/TT-BLĐTBXH. Cụ thể, điều 3, thông tư này quy định về đối tượng áp dụng hoạt động hoạt động huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động như sau:
“Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động (sau đây gọi tắt là cơ sở).”.
Thứ hai, để được tổ chức hoạt động dịch vụ huấn luyện và cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động thì bạn cần chú ý những điểm sau:
1. Về điều kiện tổ chức hoạt động dịch vụ huấn luyện và cấp chứng chỉ an toàn lao động, vệ sinh lao động
Để có thể đủ điều kiện thành lập tổ chức hoạt động dịch vụ huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động và cấp chứng chỉ cho học viên thì tổ chức mà bạn dự định thành lập sẽ cần phải đáp ứng điều kiện sau đây theo quy định tại khoản 2 Điều 13 Thông tư 27/2013/TT-BLĐTBXH như sau:
Một: Nếu công ty bạn muốn công ty được hoạt động dịch vụ huấn luyện và cấp, cấp đổi Chứng nhận huấn luyện đối với nhóm 1- người làm công tác quản lý (Giám đốc, phó Giám đốc các doanh nghiệp; người đứng đầu và cấp phó các chi nhánh trực thuộc doanh nghiệp; người phụ trách công tác hành chính, nhân sự; quản đốc phân xưởng hoặc tương đương; Chủ nhiệm, phó chủ nhiệm hợp tác xã; chủ hộ kinh doanh cá thể; chủ hộ gia đình có sử dụng lao động theo hợp đồng lao động; Thủ trưởng và cấp phó: các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước; các đơn vị sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc cơ quan hành chính sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, đơn vị thuộc quân đội nhân dân, công an nhân dân; tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế đóng trên lãnh thổ Việt Nam có sử dụng lao động theo hợp đồng lao động), huấn luyện nhóm 4 (bao gồm người lao động là người Việt Nam, người lao động nước ngoài tại Việt Nam và người học nghề, tập nghề, thử việc để làm việc cho người sử dụng lao động) thì cần đáp ứng các điều kiện sau đây:
– Trụ sở hợp pháp hoặc hợp đồng thuê, liên kết với cơ sở để có trụ sở hợp pháp còn thời hạn ít nhất 5 năm kể từ ngày nộp đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ huấn luyện;
– Số lượng phòng học lý thuyết phù hợp với quy mô huấn luyện; mỗi phòng có diện tích từ 30m2 trở lên và bảo đảm diện tích bình quân ít nhất là 1,3 m2/01 học viên;
– Chương trình, giáo trình huấn luyện được xây dựng theo chương trình khung huấn luyện được quy định tại Phụ lục III Thông tư này;
– Ít nhất 05 giảng viên cơ hữu huấn luyện kiến thức chung về an toàn lao động, vệ sinh lao động.
Hai: Nếu công ty bạn muốn được hoạt động dịch vụ huấn luyện và cấp, cấp đổi Chứng chỉ huấn luyện đối với nhóm 2 (Cán bộ chuyên trách, bán chuyên trách về an toàn lao động, vệ sinh lao động của cơ sở; Người làm công tác quản lý kiêm phụ trách công tác an toàn lao động, vệ sinh sao động), nhóm 3 (Người lao động làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, vệ sinh lao động ban hành kèm theo Thông tư 27/2013/TT-BLĐTBXH); huấn luyện và cấp, cấp đổi Chứng nhận huấn luyện đối với nhóm 1; huấn luyện nhóm 4 thì cần đáp ứng được các điều kiện sau đây:
– Đủ điều kiện hoạt động dịch vụ huấn luyện theo điều kiện kể trên.
– Thủ trưởng và những người phụ trách các công việc kế toán, đào tạo. Thủ trưởng và người phụ trách huấn luyện phải có trình độ đại học trở lên
– Đủ điều kiện huấn luyện chuyên ngành và thực hành, bao gồm:
+ Có số lượng máy, thiết bị, hóa chất, phòng, xưởng, khu thực hành để thực hành theo Chương trình khung huấn luyện được ban hành kèm theo Thông tư này hoặc có hợp đồng thuê, liên kết hợp pháp với cơ sở để có máy, thiết bị, hóa chất, phòng, xưởng, khu thực hành tương ứng với quy mô, đối tượng huấn luyện và còn thời hạn ít nhất 5 năm kể từ ngày nộp đơn xin cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ huấn luyện; trong đó diện tích phòng, xưởng thực hành ít nhất là 40 m2 trở lên và bảo đảm diện tích ít nhất là 1,5 m2/01 học viên;
+ Có chương trình, giáo trình huấn luyện chuyên ngành được xây dựng theo Chương trình khung huấn luyện do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành;
+ Có đủ số lượng giảng viên huấn luyện chuyên ngành về lý thuyết và thực hành tương ứng với quy mô huấn luyện; trong đó có ít nhất 5 giảng viên cơ hữu huấn luyện chuyên ngành, thực hành.
2. Về hồ sơ xin cấp giấy phép đủ điều kiện đào tạo huấn luyện vệ sinh lao động, an toàn lao động.
– Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động (mẫu 5, phụ lục II Thông tư 27/2013/TT-BLĐTBXH );
– Đề án tổ chức hoạt động huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động, trong đó thuyết minh rõ quy mô huấn luyện; các điều kiện, giải pháp thực hiện;
– Quyết định thành lập Tổ chức hoạt động dịch vụ huấn luyện của cơ quan có thẩm quyền hoặc giấy phép đăng ký kinh doanh (bản sao);
– Quyết định bổ nhiệm, hoặc giao nhiệm vụ người đứng đầu và tổ chức bộ máy của tổ chức huấn luyện (bản sao);
– Báo cáo về cơ sở vật chất, cán bộ quản lý, đội ngũ giảng viên huấn luyện (mẫu 6, phụ lục II Thông tư 27/2013/TT-BLĐTBXH) và kèm theo các hồ sơ, tài liệu sau:
+ Bản sao giấy chứng minh nhân dân, bằng chuyên môn, xác nhận kinh nghiệm của giảng viên huấn luyện;
+ Bản sao các loại hồ sơ, giấy tờ về cơ sở vật chất (kèm theo danh mục, vị trí lắp đặt) đáp ứng yêu cầu tổ chức hoạt động dịch vụ huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động; hợp đồng thuê, hợp đồng liên kết huấn luyện trong trường hợp Tổ chức hoạt động dịch vụ huấn luyện tiến hành việc thuê hoặc liên kết với cơ sở khác để bảo đảm điều kiện về máy, thiết bị huấn luyện như quy định tại điểm c khoản 2 Điều 13 Thông tư 27/2013/TTBLĐTBXH;
+ Chương trình huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động.
3. Thẩm quyền và thời hạn giải quyết
– Thẩm quyền giải quyết: Cục an toàn lao động
– Thời gian giải quyết: 30 ngày kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Trong trường hợp không cấp thì phải thông báo nêu rõ lý do bằng văn bản cho tổ chức đề nghị.
Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi về câu hỏi của quý khách hàng. Việc đưa ra ý kiến tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật và thông tin do quý khách hàng cung cấp. Mục đích đưa ra nội dung tư vấn này là để các cá nhân, tổ chức tham khảo.
Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề hoặc và có sự vướng ngại, thắc mắc, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến phản hồi của quý khách hàng
Cơ sở pháp lý:
Thông tư 27/2013/TT-BLĐTBXH quy định về công tác huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động