Ý nghĩa thắp đèn hoa đăng theo kinh điển là để cầu mong được phước đức, và luôn ở trong ánh sáng

Thường vào ngày lễ Phật đản hoặc ngày lễ Vu Lan chúng ta thường thấy các Phật tử thắp đèn hoa đăng tại gia hoặc tại chùa để cầu nguyện? Vậy các bạn có biết ý nghĩa của việc thắp đèn hoa đăng này là gì không? 

Đức Phật thành đạo ngày nào?

Theo truyền thống Phật giáo Nam tông, Đức Phật Đản sanh, Đức Phật Thành đạo và Đức Phật nhập Niết-bàn đều vào ngày 15 tháng 4 âm lịch, tức ngày trăng tròn tháng 5. Còn theo Phật giáo Đại thừa và Phật giáo Việt Nam thì Đức Phật Đản sanh ngày mùng 8 tháng 4, Đức Phật xuất gia ngày mùng 8 tháng 2, Đức Phật Thành đạo ngày mùng 8 tháng 12 và Đức Phật vào Niết-bàn ngày 15 tháng 2.

Về ngày Thành đạo của Đức Phật, các nhà nghiên cứu thường tranh cãi. Từ đó chúng ta nhận ra Đức Phật lịch sử Thích Ca Mâu Ni. Phật lịch sử là Phật có thân người và Ngài xuất gia, tu hành, thành đạo, thuyết pháp, nhập Niết-bàn thì coi như chấm dứt. Nhưng chúng ta có Đức Phật thứ hai quan trọng hơn mà kinh điển Đại thừa triển khai là Đức Phật tâm linh. Đức Phật tâm linh không vào Niết-bàn và sự hiện hữu của Đức Phật tâm linh cũng gắn kết mật thiết với sự tu hành hiện tại của chúng ta.

Vẫn còn tranh cãi rằng thực sự Đức Phật Thành đạo vào đêm mùng 8 tháng 12 hay không. Tuy nhiên theo quan niệm của tăng ni Phật giáo thì ý nghĩa thành đạo của Đức Phật mới là điều quan trọng để chúng ta tìm hiểu và thực tập theo Ngài.

Thành đạo là thắp sáng được ngọn đèn tâm gọi là tâm đăng.

Nhưng muốn thắp được ngọn đèn tâm, trước nhất chúng ta phải có giới đức và Chánh định thì ngọn đèn tâm chúng ta mới sáng lên được. Đức Phật đã thể nghiệm điều này, nghĩa là Ngài tự khám phá và thể nghiệm pháp tu làm cho ngọn đèn tâm của Ngài rực sáng rồi truyền dạy cho chúng ta.

Khi muốn thắp sáng ngọn đèn tâm để thấy được quá khứ, tương lai và cả hiện tại một cách chính xác, đó là phương pháp tu hành gọi là giới, định, tuệ. Và tuệ với ý nghĩa là đèn tâm.

Khi Đức Phật thành đạo, đương nhiên ngọn đèn tâm của Phật sáng lên và Ngài mồi đèn tâm của Ngài cho tất cả Bồ-tát trong Pháp giới đông như vi trần, đó là thời Phật thuyết kinh Hoa nghiêm. Kinh Hoa nghiêm nói về sự thành đạo của Đức Phật quan trọng nhất mà ít người hiểu và cảm nhận được. 

Bồ-đề thọ hạ phá ma binh

Thập phương thế giới phóng quang minh

Bồ-tát vi trần vân lai tập

Phạm vương thỉnh Phật thuyết chơn kinh.

Nghĩa là ngọn đèn tâm của Phật sáng lên chiếu khắp mười phương. Và tất cả các vị Bồ-tát được mồi ngọn đèn tâm của Phật liền tới với Ngài, tạo thành thế giới mà Phật giáo Đại thừa gọi là Thường Tịch Quang Tịnh độ, đó là thế giới bất tử vĩnh hằng.

Ngọn đèn tâm của Đức Phật truyền cho ai?

Đức Phật dùng trí tuệ để quán sát xem ai có thể tiếp nhận được ngọn đèn tâm của Ngài. Ngài nhìn về Lộc Uyển thấy năm nhà hiền triết là những người đức hạnh vẹn toàn ở thế gian. Đức Phật liền tìm tới khai tâm cho họ, gọi là mồi đèn tâm. Nghĩa là tất cả những gì Ngài tu chứng được thì Ngài truyền lại. Và người đầu tiên là Kiều Trần Như nhận được ngọn đèn tâm của Phật truyền sang tâm ông giúp ông đắc quả A-la-hán, gọi là tối sơ A-la-hán. Sau đó, bốn người còn lại cũng diệt được phiền não, trần lao, nghiệp chướng và đắc Thánh quả La-hán là ngọn đèn tâm của họ cũng được sáng lên. Kế tiếp, 50 công tử dòng Da Xá thấy các vị này trở thành La-hán tác động cho ngọn đèn tâm của họ cũng sáng lên khiến họ cảm thấy khu vườn này tươi mát lạ thường. Vì vậy, 50 công tử này cũng đã phát tâm xuất gia theo Phật và sau đó, họ cũng đắc Thánh quả La-hán.

Bấy giờ, Đức Phật mới chỉ dạy rằng tất cả các ông thực tập pháp khiến tâm đã sáng thì nên lấy tâm sáng của mình rọi vào tâm u tối của chúng sanh để làm tâm họ cũng được sáng như tâm các ông sẽ tạo thành thế giới an lành. Từ đó, mỗi Tỳ-kheo đi một hướng để soi sáng lòng người và làm đẹp cuộc đời. Đó là truyền thống của Phật giáo và là hình thức tâm truyền tâm.

Cho đến khi Phật giáo truyền sang Trung Quốc, bấy giờ Thiên Thai Trí Giả đại sư ngộ được yếu chỉ của kinh Pháp hoa, từ đó ngài mới sử dụng phương tiện là ngọn đèn bên ngoài tiêu biểu cho ngọn đèn tâm. Vì vậy, các chùa thuộc tông Thiên Thai đều tới núi Thiên Thai để mồi ngọn đèn vật chất của ngài Trí Giả thắp lên để xây dựng đạo tràng của mình.

Đến thế kỷ thứ VIII (767-822), Tối Trừng là Tăng sĩ Nhật Bản sang Trung Quốc cầu pháp, lên núi Thiên Thai và mồi đèn từ Thiên Thai đem về Nhật. Và thật kỳ diệu trên đường đi gặp bão tố làm tắt tất cả các ngọn đèn, duy nhất ngọn đèn của ngài Tối Trừng không tắt và ngài đem ngọn đèn về Tỷ Duệ sơn, đến nay ngọn đèn này vẫn còn thắp sáng. Ngày nay, tất cả các chùa thuộc tông Thiên Thai đều mồi ngọn đèn này đem về chùa mình giữ không bao giờ tắt.

Lễ hoa đăng với ý nghĩa là mồi đèn tâm của Phật truyền sang đèn tâm của chư Tăng thanh tịnh và giúp tâm của tất cả mọi người sáng lên

Và theo sáng kiến của Hòa thượng Bảo Nghiêm và Thượng tọa Chân Tính lập hội hoa đăng tại chùa Bằng. Liên tục 10 năm, quý vị đã làm lễ hoa đăng là mồi đèn tâm của Phật truyền sang đèn tâm của chư Tăng thanh tịnh rồi truyền sang đèn tâm của tất cả mọi người để làm tâm của mọi người sáng lên thấy được việc nên làm, việc không nên làm, tạo thành xã hội an bình, phát triển.

Nhờ tinh thần tu học đó mà trong mùa đại dịch vừa qua, có thể nói nước Việt Nam chúng ta được an lành nhất trên trái đất, mặc dù nước chúng ta bị dịch này truyền sang sớm nhất từ hai cha con người Trung Quốc từ Vũ Hán mang sang, nhưng không lan mạnh được. Nhờ vậy, đất nước chúng ta được yên bình, trong đó có phần đóng góp trí tuệ của Phật giáo mà chúng ta đã tiếp nhận được của Phật để soi sáng tâm trí và việc làm giúp cho xã hội an lành.

Thật vậy, theo tổng kết của Hội nghị thường niên của Giáo hội vừa qua, Ban Từ thiện xã hội Trung ương đã làm từ thiện trong năm 2020 trên hai ngàn tỷ đồng. Đó là việc làm vô cùng quý giá góp phần không nhỏ cho an sinh xã hội, nhất là trong năm đầy khó khăn vì đại dịch.

Phật giáo đã làm được việc tốt đẹp như vậy, vì tâm chúng ta đã sáng, nên có nhận thức đúng đắn rằng làm cho xã hội tốt đẹp là làm cho cuộc sống chúng ta tốt đẹp, làm cho những người xung quanh chúng ta an vui là làm cho chúng ta an vui. Nói cách khác, chúng ta mang an lạc của Đức Phật A Di Đà về xây dựng Cực lạc ở nhân gian. Đó cũng là việc vô cùng ý nghĩa của chùa Bằng, Hà Nội và chùa Hoằng Pháp, TP.HCM. Cầu mong ngọn đèn trí tuệ lan rộng cả nước và cả thế giới để mang lại cuộc sống an vui, hạnh phúc cho mọi người.

(Trích lược Bài giảng tại chùa Bằng, Hà Nội, nhân lễ hội hoa đăng kỷ niệm Ngày Đức Phật Thành đạo)

HT.Thích Trí Quảng

Với dịch bệnh Covid lan rộng, làm ảnh hưởng tới lễ hội hoa đăng, các chùa đã không còn tổ chức được quy mô lớn như trước kia, tuy nhiên đèn tâm của mỗi người vẫn sáng và luôn hướng tâm học theo lời Phật dạy. Những gia đình và các Phật tử hiện nay đã linh động thắp đèn tại nhà để tự thắp sáng ngọn đèn tâm của bản thân. Nhắc nhở con cháu trong nhà nhớ những lời Phật dạy và luôn luôn noi theo. 

Một cách làm vô cùng sáng tạo và ý nghĩa, vừa không mai một đi nét văn hóa đặc trưng của Phật giáo mà vẫn đảm bảo giữ gìn đúng quy định không tụ tập đám đông ngăn ngừa Covid. Hoa Đăng Đức Lương thật cảm niệm với thiện tâm của Quý Phật tử gần xa. 

Cầu mong nhà nhà làm theo lời Phật dạy để xã hội ngày 1 tốt đẹp hơn. 

A Di Đà Phật!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *