Thả hoa đăng – Nét đẹp văn hóa tâm linh gìn giữ và lưu truyền từ xưa đến nay

Bạn đã từng thả hoa đăng? Hãy thử một lần và thành tâm nghĩ đến những điều tốt đẹp. Rồi chắc chắn cuộc sống bạn sẽ có những điều tốt đẹp đến với bạn thơ mộng và bình yên như những chiếc đèn hoa đăng mà bạn đã thả xuống.

Nếu sợ những lễ hội ồn ào chen lấn, thì bạn có thể chọn riêng cho mình một không gian bình yên như ở sông quê, ao nhà hay là hồ nước…hoặc đơn giản là thắp những bông hoa đăng lên, và nhìn ngắm chúng thôi cũng đủ mang đến cho tâm hồn bạn cảm giác bình yên, nhẹ nhõm đến lạ thường.

Bởi vậy, hoa đăng không chỉ là thả để cầu nguyện, mà nhiều cặp đôi còn thắp để tìm đến cảm giác ấm áp, hạnh phúc và lãng mạn.

Thực ra, thả hoa đăng là một nét đẹp văn hóa tâm linh có từ lâu đời, được ông bà ta gìn giữ và duy trì đến ngày nay.

Theo truyền thuyết văn hóa dân gian, phong tục kết đèn, thả đèn hoa đăng xuống ao hồ, sông nước và biển cả của người dân Việt là một hoạt động xuất phát từ văn hóa tâm linh. Theo quan niệm của người Việt từ muôn đời, nước là sức mạnh vô địch, nước là ngọn nguồn của sự sống sự tồn tại và phát triển. Ngọn đèn lung linh thả trên mặt nước là thể hiện ước vọng, niềm tin, sự khát khao về sức mạnh vươn tới, vượt lên yếu kém và những điều không hay không đẹp của năm cũ đã qua. Trong sâu thẳm tâm linh người Việt, đèn hoa đăng còn là nguồn ánh sáng gửi tới những linh hồn đã khuất về những điều tốt đẹp, xóa tan đi những nỗi buồn oan khuất.

Thả đèn hoa đăng còn là sự gửi gắm, cầu nguyện cho mỗi con người, gia đình, dòng họ, được yên lành sung túc phát đạt. Với những người trẻ tuổi, họ thả đèn hoa đăng để cầu cho học hành thành tài, cầu cho tình yêu đôi lứa trọn vẹn ước mơ. Sẽ có không ít ngọn đèn trôi trên mặt hồ với lời cầu nguyện cho những người con của quê hương đã quên mình hy sinh vì Tổ quốc, muôn đời họ sẽ được siêu thoát thanh thản trong vĩnh hằng. Và tất nhiên sẽ có hàng trăm ngọn đèn lấp lánh trong đêm xuân với lời nguyện cầu cho quốc thái dân an trong năm mới, với nhiều thành công thắng lợi mới. Với ý nghĩa sâu sắc ấy, những đêm xuân, đêm đầu năm mới, mặt hồ nhiều tỉnh thành trên cả nước lại lung linh muôn ngàn những ngọn đèn đủ sắc màu. Trên bờ, hàng ngàn người náo nức với đêm hội hoa đăng ở khắp nơi.

Hoạt động thả đèn hoa đăng là một hoạt động văn hóa có sức hút mạnh mẽ đối với các tầng lớp nhân dân. Trong các lễ hội thả đèn hoa đăng những năm trước cho thấy, các tầng lớp nhân dân thuộc nhiều lứa tuổi, mọi tôn giáo đều háo hức với hoạt động văn hóa này. Đêm hội hoa đăng vào mồng 6 tết Bính thân năm nay để lại nhiều ấn tượng đẹp. Đêm hội đầu xuân mới công viên Bờ hồ đã trở thành một điểm hẹn văn hóa trong sáng vui tươi lành mạnh.

Nhiều khách tham gia đêm hội thả đèn hoa đăng cho rằng, cần đầu tư trọng điểm cho các hoạt đông vui xuân hàng năm, trong đó có thả đèn hoa đăng. Điều cần để một lễ hội hoa đăng có thể thành công đó là trên bờ và mặt nước cần có hệ thống chiếu sáng phù hợp. Tiếp đó, cần thiết kế xây dựng những lối đi an toàn xuống mặt hồ để thả hoa đăng. Đặc biệt cần đầu tư chăm sóc bảo vệ và làm vệ sinh sạch sẽ, tạo cho nơi đây một cảnh quan thật sự trong lành. Thì chắc chăn thả hoa đăng sẽ là tâm điểm của hoạt động văn hóa hấp dẫn đầu xuân mới.

Lung linh hoa đăng thắp trong mùa Vu lan báo hiếu

Vào dịp rằm tháng bảy hàng năm luôn có đêm hội hoa đăng ở khắp nơi để những người con cầu nguyện cho cha mẹ hiện tiền (còn sống) được bình an mạnh khỏe, cha mẹ quá vãng (đã mất) được siêu sinh về cõi cực lạc, đồng thời cầu nguyện quốc thái dân an.

Chúng ta ghé chùa hoặc tham dự một lễ thả hoa đăng sẽ thấy sự trang nghiêm trong từng nghi lễ, chúng phật tử thành tâm hướng về cõi Phật. Từ một ngọn nến, các sư thầy chùa truyền lửa đến hoa đăng trên tay từng Phật tử.

Mỗi ngọn hoa đăng được đốt lên, mỗi Phật tử gửi gắm vào đấy một tâm niệm thiện lành, an lạc cho mình và cho mọi người. Lễ hội hoa đăng, mang ý nghĩa cầu siêu cho người đã khuất, là nghi thức truyền thống có nguồn cội từ Phật giáo.

Hàng nghìn ngọn hoa đăng được thắp đỏ rực mang theo ước nguyện, cầu bình an, an lành và lòng thành kính của người dân gửi đến những người đã khuất. Đêm hội hoa đăng để những người con cầu nguyện cho cha mẹ hiện tiền (còn sống) được bình an mạnh khỏe. Cũng nhắc nhở chúng ta cần luôn nhớ đến công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, và phải có trách nhiệm báo hiếu cha mẹ mình.

Hoa đăng Sông Hoài, thả ước mơ, nguyện cầu hạnh phúc thu hút khách du lịch

Nếu bạn đã từng đi du lịch Hội An bạn sẽ thấy…”Một đêm sông Hoài hóa ngân hà bởi những ánh đèn hoa đăng. Gửi vào đó là những lời nguyện ước của du khách thập phương”…

Khi những ánh đèn điện vụt tắt, những chiếc lồng đèn xanh đỏ được thắp sáng và dòng sông Hoài chẳng đợi gì mà không lung linh huyền ảo bởi hàng trăm chiếc đèn hoa đăng. Hội An như trở về với một thời ký ức đẹp đẽ vô hạn.

Hội An mỗi giấc, mỗi giờ đều chứa sẵn trong mình những vẻ đẹp rất riêng. Đó có thể là một sáng nắng hè yên bình hay một chiều mưa như chực kéo du khách về những ngày tháng xưa cũ bởi dáng mẹ gánh chè, gánh rau. Và sẽ thiếu sót nếu không nhắc đến những đêm Hội An được trở về với những ánh đèn lồng, đèn hoa đăng lấp lánh.

Khi đèn điện của thời hiện đại vụt tắt, bước chân người du khách như tìm về nơi phát ra thứ ánh sáng lấp lánh trên sông Hoài. Đó cũng là lúc lễ hội hoa đăng đưa Hội An quay về với một thời kỳ trong ký ức.

Một đêm sông Hoài hóa ngân hà bởi những ánh đèn hoa đăng. Gửi vào đó là những lời nguyện ước của du khách thập phương,

Lễ hội thả đèn hoa đăng là truyền thống văn hóa của người dân Hội An bao đời nay. Nếu ngày trước, lễ hội được tổ chức vào các đêm rằm hoặc mồng một mỗi tháng thì nay để phục vụ du khách thập phương, lễ hội được tổ chức quanh năm.

Đặc biệt, vào những ngày rằm và mồng một, phố cổ Hội An sẽ tắt đèn. Dọc hai bên sông Hoài nhộn nhịp các sạp bán hoa đăng, người bán người mua chẳng bao giờ mặc cả cho những cánh hoa đẹp đẽ, sẵn sàng thắp sáng, đưa du khách về với một phố Hội An xưa.

Theo ý nghĩa dân gian thì hoa đăng có nghĩa là đèn hoa. Lễ hội thả Hoa đăng là lễ hội thắp đèn được trang trí bằng những chiếc đèn hoa. Hoa đăng được thắp sáng nhằm mục đích tôn vinh những giá trị tinh thần, giá trị tâm linh và văn hóa của người Việt Nam vào những ngày lễ lớn. Đặc biệt là lễ hội đầu năm mới, lễ Thượng Nguyên, người dân cùng đốt đèn mừng lễ hội, cầu nguyện quốc thái dân an.

Thả đèn hoa đăng theo tâm niệm của người dân nơi đây là để đem lại sức khỏe và tài lộc cho mọi nhà. Đó là cách hiểu rất đơn giản nhưng lại khiến bất kỳ ai cũng thấy háo hức. Một chiếc đèn trôi về biển là một ước mơ được bay cao bay xa mà ước mơ, hy vọng là điều luôn có sẵn trong mỗi con người. Vậy nên, thật dễ hiểu vì sao từ những em nhỏ đến người lớn, ai cũng thích thú khi biết về lễ hội này.

Nếu muốn tận hưởng sự trong mát trên dòng sông Hoài và tự mình thả hoa đăng ở nơi lí tưởng, du khách có thể đi thuyền, luồn lách qua những ánh nến hoa đăng. Hình ảnh từng khuôn mặt hiện lên trong màn đêm sáng rực bởi ánh đèn khiến ai cũng rạng ngời.

Và nếu đã thả những chiếc đèn hoa đăng rồi thì du khách chớ vội rời đi. Hãy ngồi thật yên bên bờ sông Hoài, nghe những bản nhạc không lời phát ra từ những chiếc loa đặt thật khéo dọc mọi con đường phố cổ, ngắm dòng sông. Theo dòng nước, các hoa đăng có lúc kết chùm với nhau tạo nên một vùng sáng giữa sông. Cũng có khi chúng lại tạo riêng cho mình một lối. Thế nhưng dù là một ánh nến lọt thỏm giữa dòng, hay kết lại hóa sông thành ngân hà thì chúng đều mang lại cho du khách những cảm xúc rất bình yên.

Lễ hội hoa đăng trên sông Hoài là nơi con người tìm về với những ước nguyện, sự may mắn, những điều an lành. Mỗi ngọn đèn hoa đăng được đốt lên, mỗi người cầu nguyện vào đó một tâm niệm thiện lành, một tâm niệm an lạc cho mình và cho mọi người. Mỗi ngọn đèn trên tay là ánh sáng xóa hết mọi khổ đau để cùng nhau xây dựng một cuộc sống tươi đẹp.

Tôi tin nếu có một lần thả những cánh hoa giấy cùng ngọn đèn lung linh trên sông Hoài, bạn sẽ mãi nhớ và muốn quay trở lại du lịch để được tận hưởng cảm giác bình an trong khoảnh khắc ấy lại thêm nhiều lần nữa.

Thả hoa đăng không chỉ là một nghi thức đẹp với mỗi chúng ta mà thực sự đã trở thành nét văn hóa trong lòng du khách khi đến với Lễ hội thả hoa đăng ở các nơi. Vậy nên, mỗi chúng ta hãy nhắn nhủ nhau góp công sức duy trì và gìn giữ nét đẹp văn hóa này để ngày một tốt đẹp và ý nghĩa hơn nhé.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *