Lịch sử cuộc đời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni sau khi thành đạo

Sau khi trở thành một nhà tu khổ hạnh, Bồ-tát trải qua một tuần ở khu rừng xoài tên là Anupiya trước khi tiến về Rajagaha (Thành Vương Xá) để tìm một đạo sư thích hợp có thể giúp Người hoàn thành mục đích. Thậm chí ngay khi đến thành Rajagaha, lúc đó vua Bimbisara mời Người ở lại để giao cho một nửa vương quốc của mình để trị vì, nhưng Người từ chối lời mời vàng ngọc đó, Người nói rằng Người phải tìm ra con đường để kết thúc sanh, già, chết và hứa với nhà Vua sẽ quay lại sau khi Người tìm ra câu trả lời đó.

I. Cuộc Tầm Cầu & Đấu Tranh Để Giác ngộ

Là một người đang đi tìm Chân Lý và An Bình, Người tìm đến đạo sư Alara Kalama ở Vesali (thành Tỳ-Xá-Ly), một tu sĩ khổ hạnh có nhiều uy tín. Ở đó, Người nhanh chóng học những giáo lý của ông ta và tu tập phát triển đến tầng Thiền thứ 7 của cảnh giới Thiền Vô Sắc Giới, là Không Vô Biên Xứ, một giai đoạn thiền định rất cao sâu. Sau đó, Người cũng không thỏa mãn với hệ tu tập của Kalama, Người từ giã ông ta và để gặp đạo sư Uddaka Ramaputta ở Rajgir, ở đó Người học tập giáo lý của ông và đã tu tập đạt đến tầng Thiền Vô Sắc Giới cao nhất, đó là Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ.

Rồi sau đó, Người vẫn chưa thỏa mãn được mục đích, và lại từ giã vị đạo sư để ra đi, tầm cầu con đường giải thoát theo cách riêng của mình. Người đang đi tìm Niết-bàn (Nibbana), sự chấm dứt hoàn toàn mọi khổ đau. Người nhận thấy rằng không có ai đủ năng lực để dạy cho Người giải thoát, vì tất cả vẫn còn đang vướng trong vô minh. Mặc dù thất vọng, nhưng Người không bao giờ nản chí trên hành trình đi tìm sự Bình An Tối Thượng đó. Người tiếp tục đi lang thang và cuối cùng đến khu rừng Uruvela bên bờ sông neranjara (Ni-liên-thuyền), ở đây, Người đã ngồi tập trung vào việc hành thiền và cố gắng thành tựu mục tiêu đã đặt ra.

Sau khi nghe tin về sự xuất gia của Thái Tử, đạo sĩ Kondanna (Kiều Trần Như), chính là người Bà-la-môn thứ tám trước kia đã tiên đoán Thái Tử sẽ trở thành một vị Phật, và đạo sĩ Bhaddiya, Vappa, mahanama và Assaji, là bốn người con trai của bốn họ tộc khác, cũng tuyên bố xuất gia, từ bỏ thế tục để đi theo Người. Trải qua sáu năm trời ròng rã, Siddhatta đã thực hiện những nỗ lực “siêu phàm”, hết sức công phu tu tập mọi hình thức khắc nghiệt nhất của pháp tu khổ hạnh, hành xác. Trong một bài giảng sau này, được gọi là Kinh “Tiếng Rống Của Sư Tử” (Sư Tử Hống), trong “Trung Bộ Kinh” (Majjhima Nikaya), Đức Phật đã kể lại cho Đại Đức Sariputta (XáLợi-Phất) cách mà Người đã hết sức thực hành những Cực Hình của pháp tu Khổ Hạnh, cách sống trần trụi, sống bừa bãi và ẩn dật ở những nơi chết chóc, như rừng sâu nước độc, nghĩa địa khi Người còn là một Bồ-tát khổ hạnh. Đại Đức Nagasamala đứng phía sau hầu quạt cho Phật nói rằng ông cảm thấy lông tóc dựng ngược lên khi ông nghe Phật thuyết giảng lại (sự khắc nghiệt của đời tu khổ hạnh, hành xác), và ông muốn biết được bài thuyết giảng này được gọi là Kinh gì. Đức Phật bèn trả lời rằng, bài thuyết giảng này nên được gọi là “Bài Thuyết giảng Dựng Lông Tóc”. Những cách tu hành xác cực đoan đã khiến ngọc thân của Người trở nên tiều tụy, điêu tàn, chỉ còn là bộ xương và da, vắt kiệt sức lực, hậu quả của đói khát và hành xác cực hình. Người gầy ốm đến nỗi khi rờ vào cơ bụng cũng có thể chạm được cột sống ở phía sau thắt lưng. Người đang bên bờ vực giữa sự sống và cái chết, vì đã nỗ lực hết mình, chịu đựng hết cách, hơn hẳn những nỗ lực và sức chịu đựng của bất kỳ thầy tu khổ hạnh hay Bà-la-môn nào, trong nỗ lực khổ hạnh, hành xác. Nhưng tất cả chỉ là vô ích, chẳng đem lại kết quả gì. Lúc đó, Người bắt đầu chuyển hướng qua con đường khác để tìm ra cho được Sự Giác Ngộ.

Người nhớ lại thời niên thiếu khi Người đã đi vào trạng thái Sơ Thiền, không còn cảm thọ về những dục lạc giác quan. Quán tưởng về điều này, Người chợt nhận ra đây có thể là con đường dẫn đến sự Giác Ngộ. Sau khi thấy được rằng, sự Giác Ngộ không thể nào có được bằng việc hành xác, trong một cơ thể kiệt quệ sắp chết, Người quyết định từ bỏ cách tu khổ hạnh và bắt đầu thực hiện Con Đường Trung Đạo (Majjhima Patipada), đó là Con Đường ở giữa hai cực đoan của dục lạc giác quan và cực đoan hành xác, khổ hạnh. Lúc đó, Người quyết định phải ăn uống một số thức ăn, mặc dù điều đó đã làm cho năm người bạn tu khổ hạnh kia trở nên bất đồng, phản đối. Cho nên, ngay đến lúc quyết định ngã rẽ con đường này, những người bạn đồng tu cuối cùng của Người cũng rời bỏ Người, nhưng Người không cảm thấy thất vọng hay nản chí vì điều đó.

Sau khi ăn một bát cháo nấu bằng gạo và sữa do một cô gái tốt bụng tên là Sujata, Người đến ngồi bên gốc cây Đa Đề lịch sử (tên tiếng Anh: Pipal tree, tên khoa học Ficus religiosa, sau này được gọi là cây Bồ-Đề lịch sử của Phật Giáo) ở Bodhgaya (ngày nay địa danh này được gọi là Bồ-Đề Đạo Tràng, là một thành phố ở quận Gaya, Bihar, Ấn Độ) để ngồi quán tưởng, thiền định bằng một ý chí sắt đá và kiên định rằng sẽ không bao giờ đứng dậy cho đến khi chứng đạt được Sự Giác Ngộ

II. Giác Ngộ & Bảy Tuần Sau Đó

Vào nửa đêm bước qua rạng sáng ngày Trăng Tròn tháng Vesakha năm 588 trước Công nguyên, trong nỗ lực tham thiền, nhập định bằng tâm tĩnh lặng và thanh tịnh, vào Canh thứ nhất, (6g-10g tối), Người đã chứng đạt một “Trí tuệ siêu thế” có thể nhìn thấy lại những tiền kiếp trong quá khứ của mình, xua tan màn đêm vô minh che mờ Quá Khứ. (Hán-Việt gọi là Túc mạng minh).

Vào Canh Hai (10g tối-2g sáng), Người tham thiền chứng đạt được một “Tầm nhìn siêu thế” có thể nhìn thấy hết mọi nguyên nhân đưa đến sự sinh tử, tái sinh của mọi loài, xóa tan màn đêm vô minh che khuất Tương Lai. (Hán-Việt gọi là Thiên nhãn minh)

Vào Canh Ba (2g sáng-6g sáng), Người tham thiền, nhập định và chứng đạt thêm một “Trí tuệ siêu thế” để diệt trừ tất cả bất tịnh và ô nhiễm (Hán-Việt gọi là Lậu Tận minh), quán chiếu được tận gốc sự Khổ, nguyên nhân khổ, sự chấm dứt khổ, và con Đường Chấm Dứt khổ (Tứ Diệu Đế), nhìn thấy bản chất của mỗi sự vật đúng “như chúng là”. Đó là sự Giác Ngộ Hoàn Toàn (Toàn giác, viên giác).

Ngày nay, cây Đa Đề lịch sử như đã nói trên được gọi tên là cây Bồ-Đề (Bodhi) bởi vì dưới gốc cây này, Thái Tử Siddhatta chứng ngộ Trí Tuệ Toàn Giác (Sambodhi, âm Hán đọc là Tam-BồĐề, Hán-Việt gọi là Chánh Giác). Lúc này, Người đã 35 tuổi và trở thành vị Phật, người chứng ngộ Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Đức Phật đã cống hiến phần còn lại của đời mình ở cõi trần để phục vụ, giúp đỡ nhân loại và nỗ lực hết mình để dẫn dắt mọi người đến với con đường “Bát Chánh Đạo” với mục đích chấm dứt mọi đau khổ.

Sau khi Giác Ngộ, Đức Phật nhịn đói luôn suốt bảy tuần và lưu lại bên dưới cũng như xung quanh khu vực gần gốc cây Bồ-Đề:

Trong suốt bảy ngày của tuần lễ đầu tiên, Đức Phật ngồi yên một tư thế, trải nghiệm niềm An Lạc Của Sự Giải Thoát.
Trong tuần thứ hai, để tỏ lòng tri ân sâu sắc đối với cây Bồ-Đề đã che chở cho Người suốt thời gian thiền hành để thành Đạo, Ngài đã đứng chăm chú ngắm nhìn cây Bồ-Đề suốt một tuần liền mà không hề nháy mắt (Animisalocana). Về sau, chính nơi này, vua Asoka đã dựng lên một Tháp tưởng niệm gọi là Animisalocana Cetiva và đến nay vẫn còn.
Trong suốt tuần thứ ba, Đức Phật đi kinh hành lên xuống trên quãng đường gần cây Bồ-Đề, sau này được gọi là “Đường Kinh hành ngọc Báu” (Ratana Cankamana).
Trong tuần lễ thứ tư, Đức Phật ngồi tham thiền trong thất, được gọi là “Bảo Thất” (Ratana-ghara: nghĩa là cái phòng bằng ngọc báu, trong ý nghĩa “cái phòng quý báu”) để suy niệm về “Vi Diệu Pháp” (Abhidhamma). Kinh sách ghi nhận rằng, tâm và thân Người phát sáng một vầng hào quang sáu màu. (Chú giải 3).
Trong tuần thứ năm, Đức Phật ngồi dưới Cây Ajapala Banyan để suy niệm về Giáo Pháp và thấm nhuần niềm hạnh phúc của sự giải thoát. (Ajapala có nghĩa là: “chỗ của những người chăn dê”. Cây Banyan là một loại cây đa, cây này là nơi những người chăn dê trong vùng thường ngồi nghỉ trong khi thả cho bầy dê ăn cỏ). Vào cuối tuần, khi Ngài xuất ra khỏi trạng thái siêu thế ấy, có một vị Bà-la-môn ngã mạn (Huhumka Jakita) đến gần và hỏi Người rằng “đứng về phương diện nào và những điều kiện nào ông ta có thể trở thành một Bà-la-môn thánh nhân (Brahmana)?”. Đức Phật đã trả lời và chỉ ra những phẩm chất cần có của một Bà-la-môn đích thực nên có.
Tuần thứ sáu, Đức Phật đến ngồi dưới cây mucalinda (Cây Mãng Xà Vương). Lúc bấy giờ, trời giông bão, gió lạnh mù mịt kéo dài suốt bảy ngày. Truyền thuyết kể lại rằng, Mucalinda, Vua Rắn từ dưới hồ nước đi lên, dùng thân quấn quanh người Đức Phật và lấy cái mỏ to che trên đầu Đức Phật để che chở, bảo vệ cho Người.
Tuần thứ bảy, Đức Phật đến ngồi dưới cây Rajayatana, lúc đó có hai anh người lái buôn tên là Tapussa và Bhallika đến từ Ukkala (Orissa) dâng lên cúng dường Đức Phật bánh gạo nếp và mật ong. Sau khi Đức Phật thọ trai bữa ăn xong, hai người quỳ lạy dưới chân Người và xin được quy y nương tựa vào Đức Phật và Giáo Pháp của Người. Họ trở thành những Phật Tử cư sĩ đầu tiên, quy y vào Phật & Pháp (Nhị Bảo).

III. Đức Phật Khai Giảng Giáo Pháp (Dhamma)

Sau khi Đức Phật thọ trai bữa ăn xong bữa ăn do hai anh người lái buôn cúng dường đó, là bảy tuần sau khi thành Đạo, Đức Phật suy tính và cảm thấy do dự, không muốn truyền dạy Giáo Pháp (Dhamma) cho mọi người. Người nghĩ rằng, mọi người sẽ không thể nào hiểu được giáo lý cao ngời và thâm sâu của Người, vì tất cả đều đang chìm đắm trong bóng tối của vô minh. Truyền thuyết được ghi chép lại rằng, Phạm Thiên Brahma Sahampati (là Đấng Tạo Hóa, theo niềm tin của đạo Hindu) đã đến và thỉnh cầu Đức Phật khai giảng Giáo Pháp (Dhamma), Ngài thưa rằng sẽ có những người hiểu được Giáo Pháp. Sau khi quán chiếu khắp thế gian, Đức Phật nhận thấy rằng có những chúng sinh có khả năng hiểu được Giáo Pháp. Người chấp nhận lời thỉnh cầu của Phạm Thiên Brahma và bắt đầu truyền dạy Giáo Pháp.

Người đầu tiên Đức Phật nghĩ đến là vị đạo sĩ Alara Kalama, người thầy cũ của Người trước kia, nhưng một thiên thần đã báo cho Đức Phật biết là ông ta đã qua đời cách đó bảy ngày. Sau đó, Đức Phật nghĩ đến đạo sĩ Uddaka Ramaputta, và một lần nữa, một thiên thần lại báo tin ông này cũng đã qua đời vào tối ngày hôm trước. Cuối cùng, Đức Phật nghĩ đến năm người bạn tu khổ hạnh trước đây, những người đã cùng chia sẻ những tháng ngày tu hành khổ hạnh cho đến trước khi Đức Phật thành Đạo. Bằng Thiên Nhãn Minh của mình, Người biết được họ đang ở tại Vườn nai ở isipatana, gần Benares (Ba-la-nại, tức địa danh Varanasi ngày nay).

Vào ngày thứ 50 sau khi Giác Ngộ, Đức Phật lên đường đi Benares để khai giảng Giáo Pháp cho 5 người bạn tu khổ hạnh trước đây, là Kondanna (Kiều Trần Như), Bhaddiya, Vappa, mahanama and Assaji. Đức Phật đến Vườn nai ở Isipatana vào ngày Trăng Tròn của tháng Asalhai, 2 tháng trước tháng Vesakha và Người bắt đầu bài thuyết giảng đầu tiên là Kinh Chuyển Pháp Luân (Dhamma-cakkkapavattana Sutta), mà sau khi nghe xong bài pháp này, năm Người Bạn Tu Khổ Hạnh đã chứng ngộ được Thánh Quả Sotapatti (tầng Thánh đầu tiên, gọi là “Tu-đà-hoàn” (HV) hay “Nhập Lưu”. Sota: dòng nước, Apatti: đến được, đạt đến đầu tiên, nghĩa là đã nhập vào dòng Thánh, không còn thối chuyển trở lại).

Và họ trở thành những Tỳ Kheo đầu tiên của Đức Phật. Sau đó, Đức Phật giảng Kinh “Vô ngã Tướng” (Anatta-lakkhana Sutta), mà sau khi nghe giảng, tất cả họ đều chứng ngộ thành A-la-hán (Arahant), là tầng Thánh Quả cuối cùng (Vô Sinh).

Đức Phật cũng thành công trong việc truyền dạy Giáo Pháp cho công tử Yasa và 54 người bạn của anh ta, cùng nhau gia nhập Tăng Đoàn và cuối cùng đều trở thành bậc A-la-hán. Cha, mẹ và vợ của Yasa cũng đắc được đạo quả Tu-đà-hoàn (Sotapatti) và chính họ đã trở thành những Phật Tử cư sĩ đầu tiên quy y Phật, Pháp và Tăng (Tam Bảo).

Như vậy, chỉ sau một thời gian ngắn, Người đã có được sáu mươi (60) Tỳ kheo tu học theo Giáo Pháp và tất cả đều chứng đắc thành những A-la-hán. Đức Phật phái họ đi nhiều hướng khác nhau để truyền bá Giáo Pháp (Dhamma). Còn riêng mình, Đức Phật rời khỏi Benares và du hành về xứ Uruvela. Trên đường đi, Người đã gặp ba mươi (30) người quý tộc trẻ tuổi, được gọi là Bhaddavaggi, (thường được gọi là nhóm ba mươi người may mắn), bởi vì họ là những hoàng tử anh em, đang sống một cuộc sống sung sướng, hạnh phúc. Trong khi họ đang vui chơi, thì một hầu nữ lấy cắp những trang sức quý giá của một hoàng tử. Ba mươi người hoàng tử liền kéo nhau đi tìm người hầu nữ và tình cờ họ gặp Đức Phật. Sau khi gặp, Đức Phật cũng đã thành công trong việc giảng dạy Giáo Pháp cho họ. Tất cả họ đều chứng đắc nhiều bậc Thánh quả thứ nhất (Nhập lưu), thứ hai (Nhất Lai) và thứ ba (Bất Lai) khác nhau và họ đều được gia nhập Tăng Đoàn. Những Tỳ kheo ‘hoàng tử’ này chính là anh em cùng cha khác mẹ với Vua Pasenadi của xứ Kosala, và vì họ thường cư ngụ tại Thành Paveyya ở miền Tây Kosala, nên sau này họ được gọi với tên là những Tỳ Kheo Paveyyaka. Cuối cùng đến một ngày nọ, họ đều chứng đắc quả A-la-hán sau khi nghe giảng Kinh “Tương Ưng Vô Thủy” (Bài Thuyết Giảng Về những Vòng Luân hồi Vô Tận những Kiếp Sống), lúc Đức Phật đang ngụ tại Tịnh Xá Veluvana ở Thành Vương Xá (Rajagaha). Cũng theo yêu cầu của họ, Đức Phật đã cho phép tổ chức “Lễ Dâng Y Kathina” hàng năm sau thời gian An cư mùa mưa (Vassa).

Trong thời gian lưu lại Uruvela, có 3 anh em tu sĩ tóc búi là những Bà-la-môn tu khổ hạnh, tên là: Uruvela Kassapa, nadi Kassapa và Gaya Kassapa (âm Hán dịch: Ưu-lâu-tần-loa Ca-diếp, Già-da Cadiếp và Na-đề Ca-diếp), mỗi người theo thứ tự đang sống chung với 500, 300 và 200 đệ tử. Phải dùng nhiều nỗ lực và đôi khi phải dùng đến thần thông, Đức Phật mới thuyết phục được tất cả họ gia nhập vào Tăng Đoàn sau khi giảng giải Giáo Pháp cho họ. Vì biết được họ là những người thờ thần Lửa, Đức Phật đã dùng hình ảnh lửa để thuyết giảng cho họ về giáo pháp. Bài thuyết giảng đó sau này được gọi là Kinh Lửa (Adittapariyaya Sutta), sau khi nghe hết bài thuyết pháp này, tất cả họ đều đạt được quả vị A-la-hán.

Như vậy, Đức Phật đã có được một đoàn Tỳ kheo theo người gồm 1.000 bậc A-la-hán, mà tất cả họ trước đây đều là những tu sĩ búi tóc tu khổ hạnh. Đức Phật hướng về Thành Vương Xá (Rajagaha) để gặp Đức Vua Bimbisara (âm Hán Việt: Tần-bà-sa-la) theo đúng như lời hứa trước khi Người thành Đạo. Khi vua Bimbisara và những công dân Bà-la-môn nhìn thấy Đức Phật cùng với ngài Uruvela Kassapa (Ưu-lâu-tần-loa Ca-diếp), người mà những Bà-la-môn rất mực tôn kính, họ phân vân không biết được ai là người dẫn đầu của đoàn Tỳ kheo đó. Đức Phật bèn hỏi ngài Ca-diếp (Kassapa) ai đã biết được Đức Phật như là người Thầy của mình nên dùng cách phi thân lên không trung để tôn kính Đức Phật ba lần. Sau đó, Đức Phật thuyết giảng về Chuyện Tiền thân Của Ngài Uruvela Kassapa (Maha Narada Kassapa Jataka), theo sau đó là một bài thuyết giảng khác. Cuối cùng, tất cả 110.000 Bà-la-môn do Vua Bimbisara dẫn đầu đều chứng đắc được Thánh quả đầu tiên là Nhập Lưu. Sau đó, nhà Vua Bimbisara xin cúng dường Rừng Trúc Lâm Veluvana để Đức Phật và tăng đoàn các đệ tử sử dụng, xem như là vật cúng dường đầu tiên là chỗ cư trú. Đức Phật đã trải qua ba lần Vassas (An Cư Mùa Mưa, Kiết hạ) liên tục và ba lần Vassas (An Cư Mùa Mưa) khác không liên tục ở tại lâm viên này.

IV. Đức Phật Về Thăm Lại Nơi Sinh Của Người

Khi Vua Tịnh Phạn (Suddhodana) hay được Đức Phật đang giảng Giáo Pháp tại thành Xá-Vệ (Rajahaha), ngài đã chín lần phái chín cận thần đến để mời Đức Phật về lại kinh đô Kapilavatthu (Ca-Tỳ-La-Vệ), nhưng mỗi một cận thần đến gặp Đức Phật, đều được Đức Phật chuyển hóa và họ đều trở thành A-la-hán. Sau khi chứng đắc A-la-hán, họ không còn quan tâm đến cuộc sống trần tục nữa, và thậm chí họ không chuyển dụ thông điệp của nhà Vua cho Đức Phật. Cuối cùng, một cận thần khác tến Kaludayi, một người bạn thời niên thiếu của Đức Phật đã được chọn để phái đến chuyển lời thỉnh cầu đến Đức Phật. Ông ta đồng ý đi và cuối cùng cũng thọ giáo vào Tăng Đoàn. Sau khi gặp Phật và nghe giảng Giáo Pháp của Người, ông ta cũng chứng đắc thành quả A-la-hán, nhưng ông vẫn nhớ lời hứa đối với nhà Vua và ông đã chuyển lại thông điệp nhà Vua cho Đức Phật nghe.

Khi Đức Phật trở lại Kapilavatthu (Ca-Tỳ-La-Vệ), các vị cao niên ngã mạn dòng Thích-Ca vẫn không chịu nghênh đón và đảnh lễ Đức Phật. Để khắc phục tánh kiêu căng và cảm hóa các vị cao niên trong hoàng tộc, Người đã phải dùng một số năng lực thần thông của mình bay lên giữa lưng trời…, như trong kinh điển có ghi lại chi tiết cảnh tượng này. Sau khi chứng kiến cảnh tượng đó, Vua cha đã cúi đầu đảnh lễ Phật, đây là lần đảnh lễ thứ ba đối với con trai yêu dấu của mình. Sau đó, Đức Phật giảng Kinh Vessantara Jataka (Túc Sanh Truyện) cho nhiều người cùng họ hàng thân quyến. Phật tiếp tục giảng pháp cho nhà Vua thêm nhiều lần nữa, và Vua cha đã chứng đắc được Thánh quả thứ ba là Bất-Lai (Anàgàmi, âm Hán-Việt: A-na-hàm). Đức Phật cũng thành công trong việc giảng pháp và thuyết phục vị hoàng tử Nanda (em cùng cha khác mẹ) và người anh em họ là Ananda cũng thọ giới gia nhập Tăng Đoàn.

Khi Đức Phật đến thăm cung điện, Công chúa Yasodhara và con trai Rahula đã đến đảnh lễ tôn kính Đức Phật. Sau cùng, Đức Phật cũng thọ giới cho Rahula vào Tăng Đoàn, mặc dù lúc đó chỉ mới được bảy tuổi. Vua Tịnh Phạn (Suddhodana) khi nghe được việc thọ giới của cháu nội của mình, ngài trở nên buồn bã vô cùng và yêu cầu Đức Phật không được chấp nhận thọ giới cho những vị thành niên vào Tăng Đoàn trước khi có sự đồng ý của bậc cha mẹ. Đức Phật đã đồng ý với lời thỉnh cầu của nhà Vua và sau này Phật đưa điều này vào trong Giới Luật của Tăng Đoàn Tỳ kheo.

Trước khi qua đời, vua lại được nghe Đức Phật giảng Pháp và đắc Quả A-la-hán. Sau khi hưởng thụ niềm an lạc của sự giải thoát trong bảy ngày, Vua Tịnh Phạn băng hà. Khi đó, Đức Phật bốn mươi tuổi. Sau khi nhà Vua băng hà, bà dì mẫu maha Pajapati Gotami và Công Chúa Yasodhara cũng gia nhập Tăng Đoàn Tỳ kheo ni và sau này cũng trở thành những bậc A-la-hán.

V. Thời Gian Truyền Bá Giáo Pháp Của Đức Phật

Sự truyền bá Giáo Pháp của Đức Phật đã được thực hiện thành công và Giáo Pháp đã được xiểng dương suốt 45 năm, cùng với sự ủng hộ, cúng dường nhiệt thành của nhiều Phật Tử cư sĩ, từ những vua chúa cho đến những thường dân.

Người cúng dường lớn nhất, đại nam thí chủ (dayaka) của Đức Phật là nhà triệu phú Sudatta, thường được gọi với cái tên Anathapindika (Cấp Cô Độc: có nghĩa là người hay cấp dưỡng, bố thí cho những người nghèo, đơn độc). Ngài Cấp Cô Độc đã cúng dường Tịnh Xá Kỳ Viên (Jetavana) ở Savatthi, nơi mà Đức Phật đã trải 19 mùa An Cư mùa Mưa (Kiết Hạ) và thuyết giảng nhiều Kinh quan trọng đã được ghi lại trong các kinh điển Phật Giáo.

Nữ thí chủ (dayika) lớn nhất là Phu Nhân Visakha, người đã cúng dường Tịnh Xá Pubbarama ở phía Đông của Savatthi, nơi mà Đức Phật đã ngụ lại 6 mùa Mưa Kiết Hạ.

Cũng tại Savatthi, Đức Phật đã có cơ hội gặp tướng cướp giết người khét tiếng Angulimala, người đã giết từng người và chặt lấy một ngón tay và sưu tập được 999 ngón tay. Khi tên cướp gặp Phật, hắn muốn giết Phật để có đủ bộ sưu tập 1.000 ngón tay. Đức Phật đã dùng năng lực thần thông và thuyết giảng Giáo Pháp và đã thu phục được tên cướp buông bỏ khí giới, gia nhập Tăng Đoàn và trở thành Tỳ kheo. Tất cả những câu chuyện này đều được ghi lại chi tiết trong các kinh điển nguyên thủy.

Trong suốt 45 năm, Đức Phật đi du hành và truyền bá giáo pháp một cách không biết mệt mỏi. Cùng với đôi chân trần, Đức Phật đã rong ruổi, vi hành khắp miền Bắc Ấn Độ cùng với đoàn Tỳ kheo của mình. Đức Phật, từ Vesali ở phía Đông cho đến Kuru (tức Delhi ngày nay) ở phía Tây, giảng dạy Giáo Pháp vì lợi ích của chúng sinh. Mặc dù ước muốn và động cơ của Đức Phật là hoàn toàn trong sáng và không vị kỷ, nhưng người luôn gặp những thế lực phản đối chống đối từ phía những lãnh tụ của những tôn giáo khác và những tầng lớp Bàla-môn truyền thống.

Ngay cả trong Tăng Đoàn, Đức Phật cũng phải đối đầu với những vấn đề khó khăn, đặc biệt là sự xung khắc từ phía người anh em họ và cũng là anh của Công Chúa Yasodhara, là Devadatta, người luôn luôn âm mưu phá hoại, lật đổ và thậm chí giết Phật nhiều lần, nhưng đều thất bại. Cuối cùng, Devadatta rời khỏi Tăng Đoàn, nhưng ngay trước khi ông chết, ông đã ăn năn, hối hận và xin được gặp Phật. Trước khi ông vào Tịnh Xá Kỳ Viên (Jetavana) để gặp Phật, ông ta bị lún xuống chết trong vũng đầm lầy trước cổng Tịnh Xá. Ngay lúc đó, ông vừa kịp quay đầu lại quy y vào Đức Phật.

VI. Bát-Niết-Bàn (Parinibbanava) & Những lời khuyên bảo cuối cùng dành cho các Tỳ Kheo

Ba tháng trước khi Bát-Niết-Bàn (Parinibbana) của Đức Phật, Người đã từ bỏ ý định ở lại Đền Capala ở Vesali. Sau khi cho triệu tập tất cả Tỳ Kheo đến trước khán phòng của Căn Nhà Nóc Nhọn, Người đã truyền dụ những Lời Khuyên Cuối Cùng trong đó Phật động viên các Tỳ kheo phải cố gắng học tập, phát triển, tu tập và truyền bá những Giáo Pháp mà Đức Phật đã trực tiếp truyền dạy trong thời gian qua, với mục đích nuôi dưỡng Đời Sống Thánh Thiện của các Tỳ kheo. Đức Phật dạy rằng: “Này các Tỳ kheo, những Giáo Pháp đó là gì? Đó chính là:

Bốn nền Tảng Chánh niệm (Satipatthana, Tứ Niệm Xứ)
Bốn nỗ Lực Chân Chính (Sammappadhana, Tứ Chánh Cần)
Bốn Cơ Sở Năng Lực Thần Thông (Iddhipada, Tứ Thần Túc)
Năm Giác Quan (Indriya, Ngũ Căn)
Năm Năng Lực (Bala, Ngũ Lực)
Bảy Yếu Tố Giác ngộ (Bojjhanga, Thất Giác Chi)
Tám Phần của Bát Chánh Đạo (Magganga, Bát Chi Thánh Đạo).”
Lưu ý: Đây là 7 mục quan trọng của Giáo Pháp của Đức Phật, tổng cộng bao gồm 37 Bồ-Đề phần (hay 37 phần trợ đạo), cần phải được tu tập đầy đủ để chứng đạt được Giác Ngộ. Bát Chánh Đạo, Bát Thánh Đạo hay Bát Chi Thánh Đạo…đều là một, tùy theo cách dịch của các dịch giả.

Từ Vesali, Đức Phật tiếp tục đi bộ hành đến nơi dừng chân cuối cùng là Kusirana, trên đường đi, Đức Phật vẫn liên tục thuyết giảng, chỉ dạy về Giáo Pháp cho các Tỳ kheo. Người thọ trai bữa cơm cuối cùng ở nhà người thợ rèn tên Cunda, rồi sau đó người giáo huấn, hóa độ du sĩ khổ hạnh tên Subhadda, đối với người này, Phật thuyết giảng Kinh Tiếng Rống Của Sư Tử (Kinh Sư Tử hống), như trước đây đã nói, là bài thuyết giảng về những cực đoan không đáng làm của cách tu khổ hạnh, hành xác và tuyên thuyết Con Đường “Bát Chánh Đạo” chính là con đường đích thực để dẫn đến Niết-bàn (Nibbana):

“…Này Subhadda, nếu Giáo Pháp và Giới Luật nào mà không hàm chứa Tám Phần Thánh Đạo thì Giáo Pháp và Giới Luật đó không đào tạo các vị sa-môn đạt đạo Quả thứ nhất,…hay đạo Quả thứ hai,…hay đạo Quả thứ ba, hay đạo Quả thứ tư.”

“Này Subhada, nếu Giáo Pháp và Giới Luật nào có hàm chứa Tám Phần Thánh Đạo thì Giáo Pháp và Giới Luật đó sẽ đào tạo các vị sa-môn đạt đạo Quả thứ nhất,…hay đạo Quả thứ hai,…hay đạo Quả thứ ba, hay đạo Quả thứ tư.”

“Này Subhada, Giáo Pháp và Giới Luật của Ta có hàm chứa Tám Phần Thánh Đạo nên Giáo Pháp và Giới Luật đó đào tạo các vị samôn đạt đạo Quả thứ nhất,…hay đạo Quả thứ hai,…hay đạo Quả thứ ba, hay đạo Quả thứ tư.”

“Các hệ thống Giáo Pháp và Giới Luật khác đều không đào tạo các vị sa-môn đạt thánh đạo Quả, chứng đắc trí tuệ giải thoát. Này Subhadda, khi nào các vị sa-môn tu tập và sống một cách đúng đắn thì thế giới nầy sẽ không bao giờ thiếu vắng các bậc A-la-hán.” (Trích “Kinh Đại Bát-Niết-bàn” – Trường Bộ Kinh, 16).

Đức Phật từ giã trần gian, hay Bát-niết-bàn của Đức Phật, là vào ngày Trăng Tròn của tháng Wesakha bên dưới bóng mát của hai Cây Sala trong rừng Sala ở Mallas. Lúc này là năm 543, Đức Phật đã tám mươi tuổi. Thông điệp nổi tiếng cuối cùng mà Phật đã gửi gắm cho các Tỳ kheo là:

“Này các Tỳ kheo, Tất cả những pháp hữu vi đều biến hoại (vô thường). Hãy cố gắng tinh tấn (tu tập) để đạt được mục tiêu (giải thoát) của mình”.

Vậy là thế gian đã từ giã một bậc Thánh Nhân, bậc Giác Ngộ vô thượng mà đến hôm nay thế giới vẫn hằng biết đến. Người đã đản sinh như một con người thế gian. Rồi sống như một người xuất chúng, là một vị Phật, rồi Người từ giã trần gian. Trong biên niên sử của nhân loại, không ai được nhắc đến nhiều nhất vì sự cống hiến nhiều nhất trong cả cuộc đời mình cho phúc lợi của tất cả mọi chúng sinh, bất kể mọi tầng lớp, giai cấp, tín ngưỡng…như là Đức Phật, với Trí Tuệ vô thượng và lòng Bi Mẫn vô song.

Mặc dù Đức Phật lịch sử đã đi xa, nhưng Giáo Pháp (Dhamma) Người đã giảng dạy suốt 45 năm vẫn còn lưu truyền đến tận hôm nay, nhờ những nỗ lực không mệt mỏi của những Phật Tử kiên trung với tầm nhìn xa trông rộng, họ đã kết tập tất cả Giáo Pháp của Phật và truyền miệng suốt hơn năm thế kỷ trước khi những kho tàng Giáo Pháp được chép trên lá Bối trên đảo quốc Tích Lan, ngàn dặm cách xa từ nơi mà Giáo Pháp được sinh ra.

Câu chuyện Kho Tàng Giáo Pháp, được gọi là Tam Tạng Kinh “Tipitaka” (Ba Rỗ Kinh), chứa đựng những lời dạy và những cách tu tập để dẫn đến chấm dứt mọi đau khổ của kiếp người, vẫn còn nguyên thủy và không bị mai một, lan rộng ra khỏi biên giới của quê hương của Giáo Pháp, trở thành một chứng tích Biên Niên Sử diệu kỳ. Đó là minh chứng sống động về những nỗ lực kiên trung đầy hoài bão và những cống hiến vô song của những thế hệ Tỳ kheo, Phật tử thời cổ xưa trong việc bảo tồn, truyền bá và làm sống mãi những Giáo Pháp của Đức Phật, kể từ sau khi Đại Bát-Niết-bàn của Người cho đến tận hôm nay.

Sách “Giáo trình Phật học” – tác giả Chan Khoon San, dịch giả Lê Kim Kha

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *